Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Cách nấu canh măng ngan

Nguyên liệu đơn giản, lại không cần phải quá khéo tay mà bạn vẫn có thể đãi cả nhà một bữa ăn ngon, thích hợp cho tiết thu mát mẻ. 
Nguyên liệu 
Thịt ngan: nửa con 
Măng nứa 600 gr
Nấm hương: 100 gr
Mắm, muối, hành củ, hành lá, mùi tàu...

Cách làm
Ngan chọn con dày mình, không già quá và cũng không non quá. Rửa sạch, chặt miếng vuông bằng bao diêm. Ướp kỹ với mắm, muối, hành củ và một nhánh gừng băm nhỏ. Măng nứa chọn những cái non và còn nguyên, không dập nát, rửa sạch, luộc một nước cho bớt chua, sau đó cắt khúc 4 cm. Nấm hương rửa sạch, cho vào bát ngâm nở.



Món canh này ăn với bún là hợp nhất. Ảnh: Nam Thi

Bắc nồi lên bếp, cho hành củ thái lát vào phi thơm, đổ thịt ngan đã ướp kỹ vào xào đến khi miếng thịt săn lại thì cho tiếp măng nứa vào xào lẫn. Để một lúc cho măng ngấm đều gia vị thì đổ nước xăm xắp. Vặn nhỏ lửa đun trong khoảng 20 phút thì cho nấm hương vào. Có thể tận dụng nước ngâm nấm hương để đổ vào, sẽ càng tăng thêm mùi thơm cho nồi canh. Trước khi bắc xuống, rắc hành lá, mùi tàu thái nhỏ lên trên. Múc canh ra bát và ăn nóng.

Yêu cầu thành phẩm 
Thịt ngan mềm, không dai, măng ngấm đủ gia vị, ngọt mát, nước canh thơm mùi nấm, vị vừa miệng. Món canh măng ngan có thể ăn cùng cơm nhưng ăn với bún là hợp nhất.


Thịt bò xào măng cay

Vị giòn của măng, vị ngon ngọt của thịt bò và vị cay cay của sa tế khiến cho món ăn thực sự hấp dẫn bạn.


Nguyên liệu
Thịt bò thăn 200 gr
Măng tươi: 500 - 700 gr
Hành lá, tỏi băm, sa tế, đường
Bột nêm, nước mắm, dầu ăn, mì chính.




Thịt bò xào măng cay rất "vào" cơm. 

Cách làm

Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng (ngang thớ để không bị dai), ướp thịt bò với hạt nêm, tỏi và sa tế, để ngấm 10 phút. Măng gọt bỏ lớp ngoài, thái mỏng rồi đem luộc nước lạnh 2 - 3 lần. Hành lá nhặt bỏ rễ, lá héo, rửa sạch, cắt khúc 2 - 3 cm.

Đổ dầu vào chảo, phi thơm hành tỏi, cho thịt bò vào xào nhanh tay, đổ ra đĩa. Cho măng đã luộc vào chảo xào riêng, thêm ít hạt nêm cho ngấm (ít thôi vì thịt bò đã ướp hạt nêm), nêm thêm ít đường. Măng xào khoảng 10 phút thì cho thịt bò, hành lá, mì chính vào đảo đều, rồi đổ ra đĩa, ăn nóng. 
Theo Giadinh

Cách làm món mang ngâm dấm ớt



Trước tiên hãy ra chợ mua măng tươi (măng người ta mới nhổ ở cây tre lên ý chứ không phải măng luộc xong ngâm nước bán ở ngoài chợ rồi đâu).


Măng mua măng tre mang về thái sợi hoặc thái nhỏ tùy theo cách của bạn, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội sau đó để cho ráo nước. Ớt tươi có thể bổ đôi hoặc thái miếng, để cả quả, tỏi bóc vỏ để nguyên tép. Quả móc mật ( nó có hạt giống quả hồng bì ấy, thường được bán ở các siêu thị)

Cách muối: cho măng vào lọ nhựa hoặc thủy tinh (tùy bạn có) cứ khoảng 10cm măng thì rải 1 lớp muối mỏng, ít ớt, tỏi. cứ như vậy đến khi hết măng. (muối cho nhiều tùy vào bạn thích ăn mặn hay chua, nhưng nếu muối chua thì măng không để lâu được.) Sao đó cho khoảng 1 chén rượu trắng đổ vào. Sau 1 tuần đảm bảo bạn có 1 lọ măng ngon mà ai cũng nghĩ bạn mua trên Lạng sơn.
Lưu ý: Nếu không có quả móc mật thì lọ măng sẽ không ngon đâu.

Chúc các bạn có lọ măng ngon, bọn tớ hay măm với mỳ tôm hoặc miến nấu, phở, bún..... hoặc khi muối xong có thể cho chút vào kho cá ( ngon tuyệt cú mèo )

Măng tre làm thuốc


Măng làm thuốc chỉ dùng măng của tre gai hay tre mỡ, không dùng măng tre đã phơi khô hoặc măng đã qua chế biến như ngâm chua, đóng hộp…
Theo y học cổ truyền, măng tre có vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chỉ khát, tiêu đờm, nhuận táo, chống co thắt. Măng có thể chữa được một số bệnh như sốt cao, ho, mụn nhọt, đầu đinh....
Chữa sốt cao
Lấy măng tre mọc được 10-20cm đã lột bỏ lớp mo nang, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ (30g) ép cùng với gừng tươi (10g), lấy nước uống làm một lần. Ngày uống hai lần.
Chữa ho
Măng tre (20g), chua me đất hoa vàng (20g), rễ dâu (10g, chỉ lấy phần vỏ trắng ở trong, tẩm mật, sao vàng), gừng (8g). Tất cả giã nát, thêm ít đường hoặc mật ong, hấp cơm 10-15 phút. Lấy ra, để nguội, uống.
Chữa mụn nhọt, đầu đinh
Măng tre mới nhú (20g), bồ công anh (10g), gừng (5g), thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.
Chữa hen suyễn, thấp khớp
Măng tre (40g) giã nát, ép lấy nước. Ốc sên (loài ốc to, có vỏ dày bóng, màu vàng nâu đen, miệng không có vảy, thường phá hoại cây cỏ, rau màu), lấy 2 con, đập bỏ vỏ, ruột, dạ dày và thực quản, chỉ lấy phần thịt xát với muối và phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, thái nhỏ, rồi nấu lấy nước đặc. Trộn hai nước, uống làm 1-2 lần trong ngày. Dùng trong thời gian dài.
Dùng ngoài
Măng tre (100g) phối hợp với quả hồi (50g), lá chanh (50g), lá thuốc lào (50g), rửa sạch, giã nát, đắp chữa sâu quảng.
Người tỳ vị hư hàn hoặc đang dưỡng bệnh không nên dùng măng tre vì khó tiêu; người bị bệnh sốt rét ăn măng tre dễ bị tái phát.
Theo SK&ĐS

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

“Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”.
Măng le là măng rừng trổ từ cây trúc, cây tre, đặc ruột được đem bóc vỏ già, luộc rồi xỏ xâu đem bán xuống vùng xuôi lấy tiền, hoặc lấy hiện vật theo thoả thuận. Ở vùng Cà - Lúi, sông Hinh, Phú Yên, núi giăng thành luỹ thép dày măng vô kể, mùa măng nhằm vào mùa cá chuồn ở Tuy Hoà, Gành Đỏ.
Vào tiết tháng 3 âm lịch, người đi biển thường được xem trò biểu diễn ngoạn mục. Ngoài khơi vịnh Xuân Đài, từng đàn cá chuồn tung tăng bơi lội đi ăn, bỗng rửng mỡ bay vút lên không trung như những mũi tên phóng xa, để rồi sau đó rớt lại biển cả.
Cá chuồn lớn, 2 con 1 ký, có khi 1 con/ký. Cá có 2 vây dài và nhọn hai bên lườn như 2 mái chèo, 2 mũi tên. Người ta bảo cá chuồn là cá duy nhất biết bay. Cá có sọc dưa, thịt trắng thơm và ngọt. Trứng cá chuồn thành bọc như một đoạn ruột non của gà, ăn vừa béo vừa bùi như trứng sam. Ngư dân dùng lưới đánh bắt cá theo luồng và mùa.
Cá chuồn được cắt khúc nấu mặn, nấu ngọt, hoặc nấu chua, lẩu với dứa. Cá chuồn còn kho với dưa môn (dọc khoai sọ muối), ăn đậm và ngon cơm.

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

- Gỏi măng gà

Hôm nọ bạn H nấu bún măng mọc, nghe anh Bảo nói là bà nhạc mẫu của anh Bảo chế biến món măng rất ngon, nhất là gỏi măng. Hừm, nói xong 1 câu rồi bỏ đi không ghi cho iem nó cái cách làm hay bí quyết gì cả, gieo một nỗi thèm không biết để đâu cho hết, tội lỗi vô cùng, thiện tai…thiện tai….hé…hé…(^__^)
Không biết thì “tối tác” – chuyên gia “tối tác” trong bếp là đây…khà..khà…(^__^)
Mang ga  1179
Măng luộc xé sợi, gà luộc xé phay, trộn với chút ớt, hành phi, chanh, đường, muối…, dzậy thoai à, không còn miếng rau thơm nào làm vốn cả…ak..ak…(^__^)
Mang ga  1180
Roài, ăn dzí cơm trắng. Chùi ui là chùi, ngon thấm thía đậm đà luôn à…khà..khà…(^__^)

- Bát canh măng ngày Tết


Với tôi, bát canh măng không đơn giản chỉ là món ăn, mà đó là nếp nhà - mẹ chồng đã gây dựng. Năm nào cũng vậy, dù gia đình còn khó khăn hay khi đã có “của ăn, của để”, trong mâm cỗ Tết chưa bao giờ thiếu bát canh này.

Ngoài nồi bánh chưng, vại dưa hành muối nén, cây giò xào … thì bát canh măng hầm móng giò là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Điều đó thì tôi biết rất rõ, năm nào cũng được ăn canh do mẹ nấu thế mà mãi đến khi lấy chồng, lần đầu tiên phải vào bếp, tự tay chuẩn bị cỗ và được mẹ chồng chỉ dạy, tôi mới biết món ăn đó cầu kỳ đến thế nào.
Tôi sinh ra ở quê, được mẹ khá cưng chiều nên hầu như không biết đến việc bếp núc. Bình thường cơm canh cho bố con tôi đều một tay mẹ chuẩn bị. Những khi nhà có khách hay lễ Tết, tôi cũng chỉ lăng xăng phụ mẹ nhặt rau, bóc tỏi. Thế nên, Tết đầu làm dâu, mặt tôi tái xanh sau khi nghe mẹ chồng bảo: “Con xuống bếp nấu bát canh măng nóng chuẩn bị đãi khách của bố”. Chẳng có ai để cầu cứu, tôi chỉ còn biết lặng lẽ xuống bếp ngó nghiêng và cố “sáng tạo” ra công thức nấu măng.
Bát canh măng ngày Tết. (Ảnh minh họa)

Trong đầu tôi nghĩ thật đơn giản, rửa sạch măng khô, cho lên bếp ninh nhừ cùng móng giò thế là xong. Nghĩ là làm nhưng không hiểu sao nồi canh của tôi càng đun nước càng vàng đục, bốc mùi chua chua, ẩm mốc khó ăn. Thế là suốt gần 2 giờ đồng hồ hì hịu dưới bếp mà nồi canh măng của tôi vẫn chưa thành. Tôi lo lắng nghĩ đến cảnh bát canh dọn lên, khách mời thì nhăn nhó, còn mẹ tôi thì cau mày giận dữ. Cắt dòng suy nghĩ của tôi, giọng mẹ chồng sau lưng ấm cúng: “ Xong cả chưa con?”. Tôi chỉ còn biết thành thật thú nhận và những tưởng mẹ sẽ phải gắt lên hay lắc đầu ngán ngẩm về đứa con dâu. Nhưng không, bà nhẹ nhàng nói: “ Hỏng thì bỏ đi con ạ, để mẹ chỉ cách làm, sau còn nấu cho chồng con”.
27 tuổi đầu, 27 cái Tết được hít hà bát canh măng quen thuộc, vậy mà đến tận khi đó tôi mới biết canh măng không đơn giản như những gì ta thấy, để có được bát canh trong mâm cỗ Tết cũng cần trải qua rất nhiều công đoạn. Là người phụ nữ chu đáo, mọi thứ đã được mẹ chồng tôi chuẩn bị từ trước giao thừa.
Trước tiên là rửa sạch măng, ngâm qua nước lạnh và phải luộc nhừ trong nhiều giờ cho măng thôi ra hết vị chua, hơi ẩm mốc và cũng là giúp tẩy trắng măng. Có như thế bát canh khi nấu xong măng mới có màu trắng ngà bắt mắt, thơm mùi măng khô đặc trưng. Bao giờ việc luộc măng mẹ cũng chuẩn bị từ 30 Tết, mẹ bảo măng luộc xong có thể dùng vài ngày mà không lo hỏng. Đến lúc cần ăn mẹ chỉ cần rửa lại, thái miếng vuông hoặc xé sợi tùy thích, rồi đem sào cho ngấm cho gia vị trước khi thả vào nồi nước hầm xương. Cuối cùng, chỉ cần rắc chút hành lá, múc ra bát và rắc chút hạt tiêu thế là đã có bát măng nóng hổi giúp giảm đi cái lạnh của miếng bánh trưng, dưa hành hay bớt đi vị ngấy từ thịt mỡ, giò lụa….
30 năm đã trôi qua, mẹ chồng tôi không còn, tôi cũng đã có con dâu, nhưng mỗi khi Tết đến, k‎ý ức năm xưa  vẫn mãi trong tôi!
Theo www.baodatviet.vn

- Cách lựa chọn đồ ăn khô cho Tết

Các thực phẩm khô như: măng, nấm hương, nấm mèo… không thể thiếu khi chế biến các món ăn ngày Tết. Dưới đây là vài gợi ý giúp các bà nội trợ chọn và sơ chế những loại thực phẩm này sao cho ngon nhất.
Cach lua chon do an kho cho Tet
Măng khô. Ảnh: Bếp Gia Đình.
Măng khô: Măng khô ngon là loại măng có màu vàng hơi nâu, còn lưu giữ mùi hương đặc trưng. Măng khô chọn măng búp vàng đều, không có xơ là măng non. Măng khô thường có 4 loại: Măng trúc, măng nứa, măng vầu, măng lưỡi lợn.
+ Măng trúc nhỏ và nhọn đầu ăn giòn, ngọt. Măng nứa và măng vầu mềm hơn. Ba loại măng này thường được dùng để xào hoặc nấu canh.
+ Măng lưỡi lợn là loại măng củ, bổ miếng và được sấy khô, khi nấu xắt miếng hình lưỡi lợn và thường được hầm với thịt heo, chân giò trong các bữa cỗ.
Nên ngâm măng với nước ấm khoảng 1 tuần và thay nước hằng ngày hoặc có thể dùng nước gạo ngâm sẽ giúp măng nhanh mềm, trắng và sạch. Trước khi nấu, cho măng vào nồi luộc sôi khoảng 15 phút, đổ nước đi, sau đó cho nước lạnh vào luộc tiếp. Luộc đi luộc lại khoảng vài lần khi măng mềm là được.
Cach lua chon do an kho cho Tet
Ảnh: Bếp Gia Đình.
- Nấm hương: Chọn những cây nấm “cúc áo” - là nấm hương vừa nhỏ, chân nhỏ, mình dày. Nấm có màu hơi nâu, dày to đều nhau, có mùi thơm đặc trưng của nấm hương và sờ khô tay.
Nên rửa sạch nấm hương bằng nước lạnh một lần rồi cho vào ngâm ngập với nước sôi để nấm nở đều. Có thể dùng nước nấm để nấu canh, mùi vị sẽ rất thơm ngon.
Nấm mèo (mộc nhĩ đen): Chọn những cây cánh to, dày, có màu đen và có một lớp nhung phủ lên cánh nấm. Nấm khô, giòn là loại ngon.
Trước khi sử dụng khoảng 30 phút, hãy ngâm nấm mèo trong nước nóng để tránh nấm quá mềm và mất độ giòn. Ngâm nấm ngập trong nước để nấm nở đều sau đó rửa sạch bằng nước lạnh, cắt bỏ gốc.

- Tết không thể thiếu măng khô ninh chân giò

Mâm cỗ Tết xứ Bắc không thể thiếu măng khô ninh chân giò. Món ninh không quá ngậy vì măng khô khi nấu đã trung hòa bớt vị béo của giò heo, tạo thành vị ngọt thanh cho món ăn.


Nguyên liệu:
- 1kg thịt móng giò
- 200gram măng khô
- Mộc nhĩ, hành khô vừa đủ.
- Gia vị hành lá, muối, bột nêm, dầu ăn.

Cách làm:

Măng khô ngâm nước lạnh khoảng từ 24 giờ - 30 giờ cho nở mềm và mất nước đen. Sau đó luộc khoảng 15 phút (khi luộc nhớ cho thêm chút muối cho măng mau nhừ). Thay nước, rửa sạch măng, luộc tiếp lần nữa cho măng được trắng.

Măng cắt miếng vuông, hay dài tùy theo ý.

Mộc nhĩ ngâm nở, làm sạch, cắt miếng bản to.

Đặt chảo lên bếp, phi thơm hành khô, cho măng vào xào, nêm chút gia vị muối, bột ngọt để măng thêm đậm đà.

Móng giò heo nướng vàng trên lửa, cạo sạch, chặt khúc vừa ăn, ướp với chút bột nêm trong khoảng 30 phút cho ngấm.

Xào săn móng giò cho vào nồi cùng 2,5 lít nước lạnh, đun sôi vớt bọt. Ninh nhỏ lửa, khoảng 30 phút sau cho măng vào tiếp tục đun sôi. Khoảng 30 phút sau khi măng và giò heo đã nhừ cho hành khô, mộc nhĩ vào đun sôi lại, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.

Múc ra bát, cho hành tươi lên trên, món này ăn nóng mới ngon.

Theo Đoàn Xuân
Phụ nữ

- Thịt Kho Măng Khô


Nguyên liệu:Thịt đùi để kho
1 trái dừa xiêm tươi, lấy nước
nước mắm
tiêu
1 trái ớt khô
1 tsp nước mầu
1 tsp đường
1/2 tsp muối
2 tép tỏi đập dập
trứng gà vài quả
1/2 bọc măng khô



Cách Làm:


- Măng khô, ngâm 2 ngày, và cho nước đem luộc 3 dạo cho măng nở to ra. Rữa đi nhiều lần cho hết nước vàng trong măng. Xé măng nhỏ vừa ăn để sẵng.

- Thịt heo cắt khúc vừa ăn, ướp tỏi, đường, muối, tiêu, ớt khô, nước mắm, nước mầu. Ướp 1 hồi cho sôi trên bếp khoãng 10 phút sau thì cho nước dừa vào đun cho đền khi thịt chín thì thả trứng luộc bốc vỏ và măng khô đã nấu và rữa kỷ vào, kho tiếp cho đến khi nước sâm sấp cạn và nêm nếm vừa ăn rồi thì tắt lửa. Kho như thế này, ăn măng kho ngon hơn ăn thịt.

- Món măng trị bệnh cho người bệnh bướu cổ




Măng khô nấu phá lấu
+ Nguyên liệu: 300 gr măng khô, cùng các vị thuốc: câu kỷ tử 10 gr, mạch môn 10 gr, cúc hoa 6 gr, chi tử sống 3 gr và rượu, đường, nước tương vừa đủ.

+ Cách chế biến: Rửa sạch măng, cắt thành hình vuông. Bắc chảo dầu với lửa nhỏ, rồi cho măng vào đến khi măng vàng lấy ra dĩa, để cho ráo dầu. Bắc chảo mới lên bếp, cho măng cùng nước, rượu, nước tương, đường trắng vào. Sau đó cho tiếp câu kỷ tử, mạch môn, cúc hoa, chi tử vào, nấu với lửa lớn cho các nguyên liệu nở ra, rồi hạ lửa nhỏ, tiếp tục nấu cho đến khi cạn nước là dùng được. Món này thích hợp cho người bệnh bướu cổ Basedow.

- Cách ngâm mộc nhĩ, nấm và măng khô

Đó là những nguyên liệu thường xuyên được sử dụng để chế biến các món ăn trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ vẫn chưa tự tin lắm khi lựa chọn và sử dụng mộc nhĩ, nấm và măng khô. Dưới đây là một vài điều bạn cần lưu ý khi dùng chúng.

Cách ngâm mộc nhĩ:

- Muốn cánh mộc nhĩ nở to, mềm, mùi vị thơm, thì dùng nước gạo đun sôi.
- Còn nếu bạn "khoái" ăn mộc nhĩ giòn, hãy ngâm bằng nước lã.
- Mộc nhĩ đen dễ dính đất, cát và mạt gỗ. Muốn cho sạch, bạn có thể dùng nước muối (trọng lượng bằng 1/10 trọng lượng mộc nhĩ) để rửa. Khi rửa vò đều nhẹ tay, chờ nước chuyển đục thì dùng nước sạch tráng kỹ lại.
alt
Nấm mộc nhĩ

Cách ngâm nấm:

- Cho nấm đã rửa sạch và thái xong vào ngâm với nước ấm pha đường (1 muỗng canh đường cho 4 cốc nước), nấm sẽ hấp thụ nước nhanh, giữ được hương vị, sau khi nấu có vị ngọt và thơm.

Cách phân biệt nấm độc:

- Đặc điểm của nấm độc là màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, khi hái về dễ đổi màu, bóp nước ra đục như sữa bò.
- Nấm ăn đa số có màu trắng, nâu nhạt, bóp nước ra trong như nước lọc.
alt
Nấm hương

Cách ngâm măng khô để ăn dần:

- Cho măng khô vào nồi kim loại, đổ đầy nước đun sôi 30 phút, sau đó đun nhỏ lửa một lúc nữa rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già.
- Tiếp đó, dùng nước gạo hoặc nước sôi để ngâm ăn dần, 2-3 ngày thay nước một lần.
- Đến khi nấu thái thành miếng, măng rất mềm và thơm ngon.
alt
Măng khô
MonngonSaigon.com

- Măng xào thập cẩm


măng
Với nguyên liệu đơn giản, bạn có thể chế biến măng làm món xào hấp dẫn. Dưới đây là công thức của măng xào thập cẩm.
Nguyên liệu:
- 300 gr măng tươi
- 5 tai nấm đông cô
- 100 gr bông cải (súp lơ xanh)
- 1 trái ớt xanh
- 50 gr bắp non, 2 trái cà chua
- 100 gr cần tây
- Dầu ăn, tỏi băm, sa tế tôm, tương ớt, muối, đường.
Thực hiện:
Măng tươi cắt miếng dài vừa ăn. Nấm ngâm trong nước ấm, rửa sạch, cắt đôi. Bông cải cắt miếng vừa ăn. Cần tây rửa sạch, cắt khúc dài 5cm. Bắc chảo lên bếp đun cho dầu nóng già rồi cho tỏi vào phi vàng.
Để lửa to, lần lượt cho măng, bông cải, bắp non, nấm đông cô vào xào. Khi gần chín, cho ớt xanh và cà chua vào rồi nêm tương ớt, sa tế, muối, đường cho vừa ăn và có vị cay là được.
Cho món xào thập cẩm ra đĩa, rắc cần cắt khúc lên trên, ăn với cơm nóng hoặc ăn không với xì dầu.
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

- Măng xào thịt kiểu Trung Quốc. Đơn giản mà ngon.

Bình thường thì hay ăn măng xào thịt lơn cả mỡ lẫn nạc. Cũng ngon, tuy nhiên, với mình, ko phải là món quá hấp dẫn. Hôm qua mày mò làm một loại dimsum đặc biệt. Thành quả thì chưa ra sao nhưng cái nhân của nó, chính là măng, thịt xào thì ngon tuyệt vời ý. Món này thì đích thị Tàu khựa rồi. Nào là dầu vừng, dầu hào, nước tương đủ cả. Ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt cú mèo. Con bé ủ bột làm dimsum lần nữa nhưng làm dư thịt để xào măng. Tự ăn tự tấm tắc, đơn giản mà nhon thế:D 



Nguyên liệu:
-Thịt băm
-Măng chua
-Dầu hào, dầu mè, nước tương
-Nấm rơm(champingon de paris)
-Hành khô hoăc hành tây
-Bột nêm, tiêu, bột canh

Cách làm:
-Măng rửa sạch nước chua, thái miếng dài ngăn tùy thích
-Nấm rơm thái nhỏ hoặc để nguyên.
-Hành tây thái nhỏ
-Cho hỗn hợp nấm thịt măng, hành vào tô. Ướp vào đó dầu mè, dầu vưng, nước tương,bột nêm, bột canh cho vừa ăn Rắc chút tiêu cho thơm. Ướp 20p
-Bắc chảo dầu nóng, phi hành cho thơm. Cho hỗn hợp thịt măng vào xào. Khi thịt gần chín rưới thêm ít nước tương cho thơm. Rắc tiêu. Ăn nóng.

- Măng xào thịt bò


Mang xao thit bo
Khi đã chán với những món kho mặn, hay rán bạn có thể đổi vị cho bữa ăn gia đình bằng măng xào. Nhưng khi chế biến phải thật khéo léo để thịt bò thơm, ngọt mà không dai. Nên dùng khi món ăn còn nóng mới hấp dẫn.
Nguyên liệu:
- Thịt bò thăn: 250 g
- Măng lá tươi: 400 g
- Gừng, tỏi: 2 củ nhỏ
- Lá chanh: 1 quả ớt nhỏ
Thực hiện:
Thịt bò lọc bỏ hết gân, rửa nước ấm, để ráo, dùng dao sắc thái ngang thớ thật mỏng. Gừng cạo vỏ rửa sạch, tỏi bóc vỏ, cả hai thứ đập giập, băm nhỏ. Hạt tiêu, muối, gia vị, vài lát ớt cùng ướp với thịt bò trong 5 phút.
Măng rửa sạch. Dùng dao tước dọc theo chiều dài của măng thật nhỏ. Đổ vào nồi nước lạnh luộc sôi trong 3 phút để khử chất độc và làm măng bớt chua, sau đó đổ ra rổ rửa lại bằng nước lạnh, để ráo. Phi tỏi thật thơm (lửa phải to). Thịt bò đã ướp sẵn đổ vào đảo nhanh tay. Thịt vừa chín tới, múc ra bát để riêng. Xào măng sém cạnh cho thơm. Nêm mắm muối vừa đủ, rồi đổ thịt bò vào đảo đều nhanh tay. Lá chanh đã rửa sạch để ráo thái nhỏ đổ một nửa vào đảo lẫn với thịt và măng cho thơm.
Múc món xào ra đĩa, rắc nốt lá chanh còn lại lên trên, điểm quả ớt đỏ khía dọc làm hoa trang trí cùng với bát nước mắm đã pha sẵn chanh, ớt, tỏi, đường, mì chính, hạt tiêu.
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

- Măng Xào Thịt Heo Xay

Chuẩn Bị - 1 lbs măng Tre ( loại măng nhỏ ) ( loại hộp cũng được) - 3 oz thịt heo xay - ¼ cup nước - ¼ TBsp gừng xay - ¼ TBsp tỏi xay - ½ nhánh tỏi tây ( leeks ) optional



Gia Vị:

- 2 TBsp tương hột ( cà nhuyễn ra trước) hoặc mua chai bean paste thì không cần cà
- 2 TBsp xì dầu + ½ TBsp đường
- 1 tsp dầu mè & 1 trái ớt
Cách Làm

- Chẻ đôi cây măng trúc, hay để nguyên cây ( tuỳ ý ), ớt & tỏi tây thái chéo
- Cho chút dầu vào chảo phi gừng tỏi cho thơm, rồi cho thịt heo vào xào chín , kế đến gia vị xào tiếp khoảng 1 phút thì cho măng vào nấu thêm 5 - 10 phút khi thấy nước cạn vừa đủ nữa là được , Pha ít bột bắp với tí nước chế vào để nước sauce sệt lại.

*** Măng tươi thì nấu lâu 1 chút , còn măng hộp thì chi nấu vài phút là được ***

- Cách chế biến 3 món ngon từ măng

Gỏi bò măng tươi
Nguyên liệu:
300g măng tươi cắt sợi, 100g cà rốt cắt sợi, 200 thịt bò, 1 củ hành tây nhỏ, tỏi băm, 1 trái ớt sừng cay, rau răm, nước cốt chanh, nước mắm, muối, tiêu, đường, dầu ăn.
Thực hiện:
Măng tươi luộc chín, khi luộc nêm một chút muối vào nước. Măng chín, vớt ra xả nước lạnh, vắt nhẹ cho ráo nước.
Thịt bò cắt sợi, ướp thịt với một chút nước mắm, đường, dầu ăn
Hành tây cắt sợi, ướp nước đá.
Xào tỏi, cho thịt bò vào xào lớn lửa, thịt bò chín, lấy ra.
Trộn thịt bò, măng, cà rốt, hành tây, rau răm cắt nhỏ, ớt sợi với nước mắm pha chua ngọt
Vịt nấu măng
Nguyên liệu: 1 miếng vịt (khoảng 800 g), 300 g măng le tươi, 1 thìa súp hạt nêm, 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê đường, 1/4 thìa cà phê tiêu, hành phi, hành lá, ngò gai, gừng, ớt tươi, chanh, tỏi.
Cách làm:
Vịt làm sạch xát gừng để ráo, măng le tươi cắt bỏ phần gốc già, xắt sợi, luộc măng, vớt ra xả lại nước lạnh, để ráo. Nấu nước sôi, nêm nước mắm, cho vịt vào luộc chín, để lửa nhỏ, cho vài cọng ngò gai, nêm hạt nêm, đường, cho thịt vịt thấm gia vị. Cho măng vào, tiếp tục hầm cho vịt mềm và măng thấm. Vớt vịt ra chặt miếng vừa ăn, cho lại vào nồi nước hầm, nấu sôi, cho đầu hành trắng và hành phi vào. Tắt bếp, nhắc xuống.
Làm nước chấm: Gừng giã nhỏ, cho nước mắm, đưòng, tỏi, chanh, ớt vào, trộn đều.
Múc canh vịt hầm măng ra tô, rắc tiêu. Dọn chung với nước mắm gừng.
Giò heo nấu măng
Măng tươi có cái hay là khi nấu kỹ, măng hút vị ngọt của thịt thà vào trong những mô sợi của nó. Đã có nhận xét là những món măng nấu thịt thì măng luôn ngon hơn thịt và đây cũng là một món ăn phù hợp cho những người muốn ăn kiêng mà không sợ giảm cân.
Nguyên liệu:
- Chọn măng: Nguồn măng tuơi còn nguyên mụt và vỏ xanh, từ ngoại thành đưa về các chợ thành phố thường là các loại mạnh tông, bương, la ngà...Tùy loại, nên chọn măng có độ dài khoảng 30cm trở lại. Măng mạnh tông ngon nhất, rồi đến bương, la ngà...
- Cắt bỏ từng lát mỏng ở phần cứng gốc măng lên đến cao dần cho đến khi thấy mềm là phần măng bắt đầu ăn được. Dùng dao khoanh vào chân từng bẹ lá rồi lột bỏ bớt các bẹ măng phía ngoài, làm từ từ lên cao dần cho đến khi lỏi măng lộ ra. Cắt ngang làm hai, chia măng ra làm hai phần gốc và ngọn. Phần ngọn xắt dọc thành lát mỏng; phần gốc, tùy lớn nhỏ để chẻ làm hai hoặc làm bốn rồi cắt ngang thành miếng mỏng.
Thực hiện:
Sơ chế măng: Pha một chậu nước lạnh chừng 3 lít nước với 1- 2 muỗng cà phê muối, lượng nước ngập măng, ngâm măng trong nước muối qua ít nhất 6 tiếng đồng hổ, rồi vớt ra xả kỹ lại với nước lạnh. Cho măng vào một cái nồi cỡ vừa, châm ngập nước, luộc măng với chút muối, luộc khoảng 10 phút sau khi nước sôi, vớt ra một miếng nhấm thử xem còn đắng không, nếu còn đắng thì đổ bỏ nước luộc, châm lại nước mới, luộc lần hai. Khi nhấm thử măng không còn thấy đắng thì vớt ra, xả lại nước lạnh, để ráo.
Chất lượng măng sẽ quyết định chất lượng món ăn. Cần đôi chút kinh nghiệm khi nếm măng sau khi luộc để măng nấu còn dòn, còn vị ngọt của măng tươi. Rồi khi nấu tiếp nữa với thịt là măng sẽ vừa ăn. Nếu luộc kỹ quá, khi nấu xong măng sẽ mềm nhũn và hết ngon.
Làm chân giò: 1 chân giò heo khoảng 1,4 - 1,6 kg, chọn chân giò trước cho ít mỡ. Làm sạch, chặt miếng vừa, ướp với: 2 muỗng cà phê muối + 1/2 muỗng cà phê tiêu + 2 muỗng súp hành tím băm. Để trong 30 phút.
1,5kg măng tươi đã sơ chế.
Gia vị. Hành ngò. Chuẩn bị ấm nước sôi lớn.
Dùng nồi lớn, bắc lên bếp, cho chân giò vào xào sơ cho thịt săn lại, châm nước sôi vào ngập hơn mặt thịt. Khi nước sôi lại, cho măng vào, thêm nước cho ngập măng, nhỏ lửa, hầm măng cùng lúc với thịt cho đến khi thịt mềm.Trong khi hầm, nếu cần phải châm thêm nước sôi. Khi hầm xong, nước còn sấp mặt thịt và măng là vừa, tùy ý nêm lại theo khẩu vị với chút muối cho vừa đậm đà chứ đừng nêm mặn, khi ăn, thực khách sẽ nêm riêng. Múc ra tô, rắc thêm tiêu bột, hành ngò xắt nhỏ. Khi ăn nên chấm thịt hoặc nêm lại với nước mắm nguyên chất, ớt tươi dầm nát nếu ăn cay được và chút chanh vắt.
Món giò heo nấu măng tươi dùng làm món ăn cơm hoặc ăn với bún sợi nhỏ, rau muống chẻ, rau thơm các loại.

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

- Vị măng chua Tây Nguyên


Tây Nguyên không chỉ được biết đến là mảnh đất hào hùng bởi những trang sử thi, với những nét truyền thống văn hóa cổ xưa mà ngày nay còn được biết đến với những món ăn lạ và rất ngon. Một chút vị chua thanh nhè nhẹ của măng đem đến hương vị núi rừng làm lòng người thêm lưu luyến.
Vị măng chua Tây Nguyên
Ảnh: vietnamnet.vn
Đến với Tây Nguyên, bạn phải một lần nếm món măng chua của đồng bào dân tộc nơi đây mới cảm nhận hết được những nét giản dị, mộc mạc của nó. Không phải là một món ăn cao sang, măng chua mộc mạc như bản chất của người dân tộc Tây Nguyên và để lại trong lòng mỗi thực khách một cảm giác thật ngon, thật lạ vì chính bản chất bình dị, tự nhiên vốn có của nó.
Măng chua được ủ từ măng tươi trong những hũ sành, có hai loại là măng giang và măng mai. Nếu là măng giang, đọt nhỏ bằng ngón tay, có thể để nguyên cả cái, còn măng mai, măng tre thường băm nhỏ hoặc thái lát mỏng, sau đó ngâm với nước có pha chút muối khoảng 2-3 ngày cho lên men.
Vị măng chua Tây Nguyên
Ảnh: blogspot.com
Trong những miếng ngon của núi rừng, măng chua cũng là một món ăn ưa thích của đồng bào dân tộc. Miếng măng trắng ngà giòn tan, cả nước lẫn cái đều có đủ bốn vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua dễ kết hợp với nhiều món ăn khác nhau, đặc biệt nấu với cá trê hay thịt gà khiến bạn ăn quên no, đem lại cảm giác ngon mà không ngán...Tuy nhiên, trước khi chế biến, bạn nên luộc qua hoặc ngâm nước để loại bỏ những độc hại và miếng măng sẽ ngon, giòn hơn.
Một bát canh sẽ ngon miệng và tuyệt hơn khi kết hợp với măng chua. Những lát măng trắng ngần muối chua, giòn sần sật sẽ phá tan vị tanh của cá, tạo ra hương vị thanh mát cho bát canh. Với vị cay của ớt rừng, vị ngọt của gia vị, vị thơm, đậm đà của cá và vị chua của những lát măng đã lên men...Chỉ cần húp một chút nước canh cũng cảm nhận được sự béo ngậy, thơm mát và dường như giữa cái nắng cái gió khắc nghiệt của mảnh đất Tây Nguyên bao mệt mỏi, nhọc nhằn cũng tan biến hết.
Vị măng chua Tây Nguyên
Ảnh: naungon.com
Du khách đến với mảnh đất này, tham gia lửa trại nghe cồng chiêng, ăn cơm lam, uống rượu cần, cùng vui điệu múa Tây nguyên hay giản đơn chỉ là những món ăn được nấu với măng chua cũng gợi cho người ta nhớ về một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực truyền thống!

- Cách ngâm măng tỏi ớt thơm ngon

Cách làm rất đơn giản, chỉ cần bỏ ra một chút thời gian, bạn sẽ có một lọ măng ngâm tỏi ớt thơm ngon tuyệt vời và đặc biệt là có thể giữ ăn quanh năm cũng không bị hỏng. 

Mùa măng ở các tỉnh Trung du miền núi thường bắt đầu vào cuối mùa xuân. Tuy nhiên với loại măng dùng để ngâm tỏi ớt ngon nhất thì phải là măng tre, loại này có nhiều nhất vào tháng 6, khi những cơn mưa rào của mùa hè bắt đầu trút xuống. Nếu không có măng tre thì có thể dùng măng tre Bát Độ (là loại tre lai hiện nay được trồng rất nhiều để lấy măng thay cho giống tre truyền thống của Việt Nam). Loại măng này ở các thành phố lớn cũng dễ dàng mua được tại các hàng bán rau, thậm chí có người bán thồ hàng sọt đi dọc phố khi vào mùa.   

Cách làm rất đơn giản, chỉ cần bỏ ra một chút thời gian, bạn sẽ có một lọ măng ngâm tỏi ớt thơm ngon tuyệt vời và đặc biệt là có thể giữ ăn quanh năm cũng không bị hỏng. 

Nguyên liệu: 

Măng tươi, tỏi, ớt, dấm, nước mắm ngon và tất nhiên không thể thiếu được là một chiếc lọ thủy tinh (to hay nhỏ tùy theo lượng măng bạn muốn ngâm).


Cách làm:
Chọn những củ măng to nhưng ngắn, vì như thế măng mới non. Bóc bỏ lớp “áo” măng bên ngoài, gọt bỏ phần già, rửa sạch. Thái măng thành từng lát mỏng như khi nấu canh. Tiếp đó đun một nồi nước, bỏ thêm chút muối, khi nước sôi cho măng vào chần qua. Chú ý sau khi cho măng vào, chỉ cần thấy nước sôi lăn tăn trở lại là đổ măng ra rổ, để cho nguội.
Ớt chọn quả chín màu đỏ tươi, cắt bỏ cuống rửa sạch, số lượng ớt nhiều hay ít là tùy theo độ cay mà bạn muốn. Tỏi ta bóc vỏ, để nguyên tép.
Sau khi măng nguội, cho măng cùng tỏi, ớt vào lọ thủy tinh, đổ theo tỉ lệ ba phần dấm, một phần nước mắm vào lọ cho đến khi ngập măng. Đậy nắp kín, để sau một tuần là có thể dùng được.
Với lọ măng này, bạn có thể để từ năm này sang năm sau vẫn đảm bảo chất lượng thơm ngon như mới. Món này đem ăn cùng với thịt luộc, các món rán hay bún, mì, phở.. đều rất ngon. Đặc biệt nếu để sang mùa thu và mùa đông lấy ra ăn thì vị cay nồng của nó đảm bảo sẽ đánh thức được tất cả các giác quan của người thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm:
Măng màu vàng tươi, ăn có độ giòn, vị chua cay, đậm đà, thơm dậy mùi tỏi ớt. Nước ngâm có độ chua vừa, không nổi váng.   
BACSI.com (Theo Báo Đất Việt)