Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

- NHỮNG VỊ THUỐC TỪ CÂY TRE

Trong y học, tre được xem là loại thuốc đa dụng, có hiệu quả điều trị tốt một số bệnh lại dễ tìm, chế biến đơn giản. Người ta thường sử dụng tre Bambusa arundinaceae Retz để làm thuốc. Một số loại tre vầu khác cũng được sử dụng như tre la ngà (Bambusa blumeana Sch.), cây hóp (Bambusa mutiplex  Roeusch)... 


Các bộ phận của tre đều được sử dụng làm thuốc như lá tre (trúc diệp), nước tre (trúc lịch ), tinh tre (trúc nhự), võ thân tre (trúc thanh),  măng tre (trúc duẩn), gốc tre (trúc căn) chất cặn  đọng trong ruột tre (thiên trúc hoàng ):

- Lá tre (Trúc diệp): Dùng loại lá tre non, còn cuộn tròn, nên được gọi là Trúc diệp quyển tâm (tức búp tre ). Dùng  tươi hay khô đều được, thường dùng tươi tốt hơn. Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, lá tre có vị cay ngọt, tính mát, hơi hàn, không độc, có tác dụng làm mát vùng đầu mặt, tiêu đàm nhiệt, trừ phiến táo. Dùng để chữa trị sốt khát nước, bứt rứt, nhức đầu, mất ngủ, ho, bí tiểu tiện. Liều dùng 20 - 50g / ngày. Sắc uống trong ngày. Có thể dùng nước sắc lá tre để rửa các vết thương viêm nhiễm.

- Tinh tre (Trúc nhự): Lấy thân tre cưa thành đoạn nhỏ, bỏ đốt tre, sau đó cạo bỏ vỏ xanh rồi cạo lấy lớp ở dưới gọi là Nhị thanh trúc nhự, sau lớp này có thể cạo thêm lớp trắng vàng ở dưới để dùng (chất lượng kém hơn). Trúc nhự có vị ngọt, tính bình, hơi lạnh không độc, vào 3 kinh phế, vị và can. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền an thai, cầm nôn. Dùng để chữa vị nhiệt gây nôn mửa, vùng ngực bụng phiền nóng, phụ nữ có thai, sốt cao nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết liều dùng 12 - 30 g sắc uống trong lúc đói bụng.

- Nước tre (Trúc lịch): Thường người ta chọn những loại tre có thân to từ 10 cm trở lên, dầy cơm, tre non chứa nhiều nước hơn tre già, cắt thân tre thành nhiều đoạn 50cm bỏ mắt ở hai đầu. Đốt  một lò lửa cháy đỏ gác hơi chếch những đoạn tre lên lửa. Một lát sau, ở đầu những đoạn tre có nước chảy ra, hứng lấy nước đó vào chai thuỷ tinh để dùng.

               Trúc lịch có vị ngọt, tính hàn, không độc vào 3 kinh tâm, vị và đại trường. Có tác dụng thanh đàm, giáng hoả, trừ phiến, giải nhiệt, chỉ khát nhuận táo. Dùng chữa trúng phong cấm khẩu điên cuồng, kinh phong, đàm nhiệt làm sốt mê sảng. Liều dùng 20 - 50g chia làm 2 lần uống trong ngày. Thường uống chung với vài giọt nước cốt gừng.

 Theo kinh nghiệm dân gian ở Trung Quốc, Trúc lịch được dùng để phòng bệnh động kinh trước khi lên cơn khoảng 1 - 2 ngày, thường người bệnh sẽ có một số triệu chứng báo trước. Nên dùng ngay 3 muỗng canh nước tre hoà với 1 muỗng canh nước cốt gừng, có thể ngăn được chứng động kinh .

Măng tre (Trúc duẫn): Măng có vị ngọt hơi đắng, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt, giáng hoả, tiêu đàm. Dùng làm thực phẩm nên luộc chín, phơi sấy khô để loại bỏ chất độc HCN. Nước măng tre hoà với nước cốt gừng có thể trị tiêu khát, sốt cao mê sảng. Liều dùng 30 - 40g chia làm 2 lần uống trong ngày .  

- Vỏ xanh thân tre (Trúc thanh): Vào mùa hè, bị trúng thử hôn mê, người ta dùng dao cạo lớp vỏ xanh thân tre tươi, nấu nước cho bệnh nhân uống để giải trừ thử khí, giúp bệnh nhân tỉnh táo trở lại. Uống nước Trúc thanh vào mùa hè có thể phòng được các bệnh do thử nhiệt sanh ra. Liều dùng 30- 50g/ngày

Gốc tre hoặc củ tre (Trúc căn): Gốc tre có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhất là nhiệt độc ở huyết mạch. Người ta có nhiệt độc ở đầu, cổ, ngực, lưng mọc nhiều mụn nhọt, đau nhức khó chịu nên dùng gốc tre (cả củ) rửa sạch bùn đất, thái mỏng, lấy chừng 500g cho vào nồi đất, đổ nhiều nước, nấu sôi nhỏ lửa chừng 4 - 5 giờ. Uống hằng ngày thay nước uống, có thể giải độc, tiêu viêm, trừ mụn nhọt. Trường  hợp có tiêu chảy không nên dùng gốc tre.   

- Cặn đóng trong ruột tre (Thiên trúc hoàng): Thiên trúc hoàng có tên là Hoàng phấn, Trúc cao, Phấn nứa là cặn đóng trong ruột cây tre, nứa. Thường  những cây tre nứa này bị bệnh, làm cho chất nước trong cây ngưng đọng lại. Thiên trúc hoàng thường thu lấy ở một loại nứa có tên khoa học là Phyllotachys reticula C.Koch. Thiên trúc hoàng có màu trắng như phấn hoặc có màu vàng như đất, có vị ngọt tính hàn, không độc, vào kinh tâm, an thần, trừ phong. Dùng chữa người lớn trúng phong cấm khẩu, bệnh nhiệt hôn mê, trẻ con bị kinh giật không nói được. Liều dùng  1 - 3g/ngày. Nếu không bị nhiệt thực sự thì không nên dùng. 
 (Lương y  Đinh Công Bảy - Cây thuốc quý tháng 7/2010, Số 159)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét